Báo cáo của Trung tâm chiến lược quốc tế (CSIS) tại Mỹ cho thấy Trung Quốc đã phải hỗ trợ ít nhất 230,8 tỷ USD trong suốt hơn 10 năm mới có thể xây dựng được ngành xe điện thành công như ngày hôm nay.
Tổng ngân sách hỗ trợ của chính phủ này tương đương bình quân 18,8% doanh số bán xe của toàn ngành ô tô điện trong khoảng 2009-2023. Mức tỷ lệ này đã giảm dần từ 40% doanh số bán xe năm 2017 xuống còn 11% năm 2023 trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh cắt giảm hỗ trợ để các doanh nghiệp “tự bơi ra biển lớn”.
Thông tin trên được công bố trong bối cảnh Liên minh Châu Âu (EU) đã tăng thuế lên xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc với cáo buộc chính quyền Bắc Kinh trợ giá cho sản phẩm nội địa.
Trước đó vào tháng 5/2024, Mỹ cũng đã nâng mức thuế nhập khẩu xe điện Trung Quốc lên 100%.
Phía CSIS cho biết những hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc lên ngành xe điện nội địa bao gồm cả cách chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp địa phương trước các tập đoàn nước ngoài.
Trong khi đó Mỹ vẫn chưa tạo được một môi trường ưu đãi cho ngành xe điện trong nước ở quy mô mà Trung Quốc đã từng làm.
“Dù có nhiều kỳ vọng nhưng nhìn chung các doanh nghiệp xe hơi Phương Tây và chính phủ vẫn đang khá lơ là và chưa đủ tích cực trong việc thúc đẩy ngành này”, chuyên gia Scott Kennedy của CSIS nhận định.
Chấm dứt sự thống trị
Quay trở lại câu chuyện hỗ trợ ngành của Trung Quốc, Bộ tài chính nước này trong những năm đầu phát triển xe điện đã phát hiện ít nhất 5 doanh nghiệp lừa dối để lấy hơn 1 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 140 triệu USD tiền trợ cấp từ chính phủ.
Tuy nhiên nhờ vào việc thúc đẩy xu thế tiêu dùng xe điện mà Trung Quốc đã chấm dứt được sự thống trị của các hãng ô tô xăng nước ngoài tại đây.
Thậm chí ngân hàng Bank of America còn kêu gọi các hãng xe Mỹ nên rời bỏ thị trường Trung Quốc để chuyển nguồn lực về quê nhà khi đã đánh mất ưu thế tại xứ sở 1,4 tỷ dân.
Mặc dù vậy, báo cáo của CSIS cũng cho thấy các doanh nghiệp xe điện Trung Quốc chưa đem lại mức lợi nhuận tương xứng với khoản tiền hỗ trợ từ chính phủ trong khi sản lượng dư thừa đang làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách.
“Trong một nền kinh tế thị trường thì các doanh nghiệp sẽ phải cẩn trọng với số tiền đầu tư mở rộng sản lượng nhằm tránh gây mất cân bằng cung cầu và dẫn đến sụp đổ toàn ngành”, chuyên gia Kennedy nhận xét.
Số liệu cho thấy lợi nhuận ròng trên mỗi sản phẩm bán ra của BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc, trong 12 tháng qua đã giảm xuống chỉ còn 739 USD. Tương tự, con số này của Tesla cũng đã giảm xuống 2.919 USD.
Thị trường xe điện thời gian qua đã chứng kiến cuộc chiến dìm giá, đốt tiền của nhiều doanh nghiệp trong khi người tiêu dùng không còn hào hứng với sản phẩm này như trước.
Hãng xe điện Nio của Trung Quốc, vốn vẫn đang thua lỗ, cho biết khoảng 10 thương hiệu sẽ phải rời bỏ thị trường này trong năm nay, qua đó chỉ còn lại khoảng 20-30 doanh nghiệp hoạt động trong ngành tại xứ sở 1,4 tỷ dân.
Về phía Mỹ, Đạo luật chống lạm phát được ban hành năm 2022 đã cấp 370 tỷ USD hỗ trợ ngành xe điện, bao gồm khoản tín dụng ưu đãi 7.500 USD cho mỗi đơn mua xe điện. Tuy nhiên con số này chẳng là bao so với mức 13.860 USD/xe tiền hỗ trợ của Trung Quốc năm 2018, dù con số hiện nay đã giảm xuống chỉ còn 4.600 USD/xe.
*Nguồn: CNBC