Theo thống kê, Trung Quốc hiện có hơn 1 triệu tài xế xe công nghệ, hoạt động trên 300 nền tảng khác nhau. Tuy nhiên, theo First Finance, phần lớn các nền tảng này đều chưa có chính sách bảo vệ quyền lợi cho tài xế. Phóng viên tờ báo này đã phỏng vấn một số tài xế và được biết hầu hết trong số họ đều phải tự mua bảo hiểm để đề phòng rủi ro.
Nhiều tài xế cho rằng các nền tảng xe công nghệ cũng cần có trách nhiệm đảm bảo an sinh xã hội cho họ. Trước thực trạng đó, cơ quan quản lý Trung Quốc cũng đang nghiên cứu và thúc đẩy các biện pháp bảo vệ quyền lợi cho nhóm lao động mới này. Vào ngày 23/4 vừa qua, ông Lý Tân Vượng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Lao động (Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc) cho biết nước này đang thử nghiệm chính sách bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động thuộc các ngành nghề mới, trong đó có tài xế xe công nghệ. Trên cơ sở kết quả đạt được, chính sách này sẽ được mở rộng cho nhiều đối tượng hơn.
Là một ngành nghề tiềm ẩn nhiều rủi ro do tính chất công việc phải di chuyển liên tục, việc bảo đảm an toàn cho tài xế xe công nghệ đang là vấn đề cấp thiết. Luật sư Tiền Trần (Trung Quốc) nhận định các chính sách bảo vệ quyền lợi cho nhóm lao động mới, bao gồm cả tài xế xe công nghệ sẽ ngày càng được hoàn thiện trong thời gian tới.
Chuyên gia Trịnh Nghi (Trung Quốc) cho rằng, với sự hỗ trợ từ phía chính phủ, các nền tảng xe công nghệ sẽ có cơ sở để xây dựng chính sách bảo vệ quyền lợi cho tài xế. Ông Trịnh Nghi nhận định: “Việc Chính phủ ban hành các quy định cụ thể, làm rõ trách nhiệm và quyền lợi của cả tài xế và nền tảng là tiền đề quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này”.
(Bài viết sử dụng một số tên nhân vật đã được thay đổi)