Tại tờ trình mới nhất gửi Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất phương án cân nhắc không giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Nguyên nhân là do nhiều bộ ngành lo ngại việc giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ vi phạm cam kết quốc tế.
Bộ Tài chính đánh giá cụ thể tác động của việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, việc vi phạm các cam kết quốc tế và đề xuất 2 phương án.
Phương án 1: Cân nhắc không thực hiện giảm mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Phương án 2: Giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng.
Tính từ năm 2020 đến cuối năm 2023, Chính phủ đã có 3 lần ban hành chính sách giảm 50% phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, mỗi lần áp dụng 6 tháng.
Từ năm 2020 đến hết năm 2022, dịch COVID-19 bùng phát và nhanh chóng lan rộng ra các quốc gia trên thế giới, tác động nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) toàn cầu. Mặc dù đến năm 2023, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của lạm phát và bối cảnh kinh tế chưa thể phục hồi. Cùng chịu chung số phận với nhiều ngành, nghề khác, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước giai đoạn này cũng bị ảnh hưởng vì đứt gãy chuỗi cung cầu, tình hình sản xuất, kinh doanh suy giảm, nhiều doanh nghiệp cạn kiệt nguồn vốn.
Chính vì vậy để góp phần hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi, Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định giảm mức thu Lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước phù hợp với bối cảnh KT-XH từng giai đoạn. Quá trình triển khai thực hiện chính sách giảm mức thu Lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước những năm qua về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành, có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất và phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung.
Không giảm phí trước bạ sẽ ảnh hưởng
Sau khi Bộ Tài chính đã đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, trong 6 tháng, từ 1/8/2024 đến 31/1/2025, nhiều người đánh giá khi được thông qua, chính sách này được coi như một “cú hích”, góp phần thúc đẩy sức mua, tạo đà cho việc tái sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Hiện tại, khi chính sách này được thông qua, nhiều người dân và doanh nghiệp ô tô kỳ vọng đây là một trong những yếu tố giúp kích cầu thị trường trong nửa quý 3 và quý 4 năm 2024.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã công bố doanh số các thành viên tháng 6/2024. Tổng doanh số ô tô bán ra đạt 26.575 xe, tăng 3% so với tháng trước và 12% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh số xe lắp ráp trong nước đạt 12.962 xe, tăng 8% so với tháng trước. Còn doanh số xe nhập khẩu lại đảo chiều, đạt 13.613 chiếc, giảm 1% so với tháng 5.
Tính hết nửa đầu năm 2024, doanh số toàn thị trường theo báo cáo VAMA vẫn đang thấp hơn 2% so với cùng kỳ 2023, bán ra được hơn 134.880 xe. Trong đó, ô tô lắp ráp giảm 15% (bán ra 67.849 xe) so với cùng kỳ năm trước nhưng xe nhập khẩu lại tăng 16% (bán ra 67.035 xe).
Có thể nhận định một trong những nguyên nhân chính giúp doanh số ô tô lắp ráp trong nước tháng 6 tăng là xuất phát từ thông tin “có thể từ 1/7/2024, Chính phủ áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ”. Sau đó Bộ Tài Chính tiếp tục trình chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ áp dụng từ 1/8/2024 đến hết tháng 1/2025, nhiều doanh nghiệp, đại lý đã tính phương án tăng sản lượng xe để cung ứng thị trường.
Bên canh đó nhiều khách hàng cũng đã tranh thủ đăng ký đặt cọc trước để hưởng thêm chính sách giảm giá xe tốt từ hãng và đại lý, sau đó chờ Chính phủ ban hành chính sách giảm lệ phí trước bạ mới làm các thủ tục để lấy biển số.
Tuy nhiên, vừa qua Bộ Tài Chính đã gây bất ngờ với đề xuất cân nhắc không giảm phí trước bạ cho ô tô trong nước, điều này sẽ khiến các hãng và đại lý “loay hoay” tính toán các bước tiếp theo ra sao để tăng doanh thu cuối năm? Nếu các doanh nghiệp đã gia tăng sản lượng xe để đón “làn sóng” giảm lệ phí trước bạ sẽ phải giải bài toán này như thế nào?
Anh Nguyễn Tuấn Anh – chủ một đại lý xe tại Hà Nội chia sẻ, nếu Chính phủ không giảm 50% phí trước bạ thì đây có thể là một năm rất khó khăn với ngành xe. Bởi, ngay khi thông tin Chính phủ có thể sẽ giảm 50% phí trước bạ từ 1/8 đã giúp thị trường xe sôi động hơn, nhiều khách hàng tìm đến cửa hàng để hỏi và mua xe đợi giảm phí thì lấy. Nhưng nếu không giảm thì lượng khách này có thể giảm hoặc sẽ lại đắn đo trước quyết định mua hay không.
“Bên cạnh đó, nhiều đại lý cũng đã chuẩn bị các khâu như tăng lượng nhân viên kinh doanh, kế hoạch tăng số lượng xe trong dịp cuối năm nhằm đáp ứng nhu cầu cao hơn của khách hàng khi giảm phí trước bạ. Nên nếu không được giảm thì chắc cũng sẽ ảnh hưởng khá nhiều tới các đơn vị kinh doanh xe. Có thể lại dẫn đến tình trạng tồn kho từ năm này qua năm mới” – anh Tuấn Anh cho biết.
Trong khi đó, anh Nguyễn Xuân Minh – Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Nghe thông tin có thể giảm thuế trước bạ từ 1/8 nên đã đi đặt cọc xe để hưởng ưu đãi của đại lý ở thời điểm hiện tại và đợi sang tháng 8 lấy xe được giảm thêm phí trước bạ. Nhưng giờ không giảm thì lại phải tốn thêm một khoản chi phí khi ra biển”.
Thực tế hiện nay, nhiều hãng xe cũng triển khai các chính sách ưu đãi để kích cầu thị trường tiêu dùng. Tháng 7/2024 Toyota Việt Nam triển khai chương trình hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ba mẫu xe lắp ráp gồm Vios, Veloz Cross và Avanza Premio với số tiền tương ứng từ 23-33 triệu đồng tùy mẫu xe và phiên bản.
Cũng trong tháng 7 năm nay, Honda Việt Nam triển khai chương trình hỗ trợ từ 50 – 100% lệ phí trước bạ với khách hàng mua hai mẫu xe lắp ráp là City và CR-V. Trong đó Honda City RS và CR-V L có mức ưu đãi là mức 50%; City L/G và CR-V G lên tới 100%.
Tuy nhiên, nếu cộng với việc được giảm 50% phí trước bạ và ưu đãi của hãng, đại lý sẽ giúp thị trường ô tô cuối năm sôi động hơn và cải thiện doanh số của nhiều hãng xe.