Theo Motor1, Ford đã thực hiện khá nhiều đợt triệu hồi xe trong vài năm gần đây và điều này đang ảnh hưởng không tốt đến lợi nhuận ròng của hãng. Theo nội dung báo cáo tài chính quý II, chi phí cho bảo hành và các đợt triệu hồi đã ngốn của Ford khoảng 2,3 tỷ USD trong 3 tháng quý II, tương đương khoảng 25,5 triệu USD mỗi ngày. So với quý đầu năm, khoản chi phí này đã tăng thêm 800 triệu USD.
Ford cho biết đã triển khai một số biện pháp để cải thiện chất lượng sản phẩm, nhưng Motor1 cho rằng kết quả sẽ không dễ thấy một sớm một chiều.
Ford cũng nhận định chi phí tăng xuất phát từ các mẫu xe sản xuất trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch hoặc trước thời điểm đó, khi các vấn đề chuỗi cung ứng cũng như lệnh đóng cửa đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất ôtô toàn cầu.
Trao đổi với Motor1, Ford cho biết số lượng khách hàng bị ảnh hưởng từ các đợt triệu hồi của hãng trong năm 2023 đã ít hơn khoảng 30% so với năm liền trước. Các năm 2022 và 2023 cũng ghi nhận Ford là cái tên dẫn đầu về số lượng các đợt triệu hồi xe đã ban hành tại Mỹ.
Theo Warranty Week, Ford đã chi khoảng 4,8 tỷ USD để sửa chữa xe cho khách hàng. Đây là mức chi phí cao hơn khoảng 3 lần so với trung bình chung toàn ngành.
Trang tin Bloomberg dẫn lời ông Jim Farley cho biết Ford đang tiến hành “thử nghiệm xe đến khi hỏng” và cho chúng chạy “ở quãng đường cực dài” để phát hiện ra các vấn đề chất lượng trước khi giao xe cho khách hàng. Sẽ mất đến hơn 18 tháng để thấy được lợi ích của quy trình mới này, thông qua chi phí bảo hành được kéo giảm.
“Quy trình này khiến quý tiếp theo trở nên khó khăn và đầy thách thức, nhưng sẽ giúp Ford tối ưu chi phí cho bảo hành theo thời gian”, CEO của Ford chia sẻ.