Trong khi hệ thống trạm sạc công cộng chưa đủ đáp ứng nhu cầu, nhiều người dùng đang tính đến phương án sạc ô tô điện tại nhà.
Thiếu trạm sạc công cộng cho ô tô điện
Thị trường ô tô Việt Nam thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều các mẫu ô tô điện. Ngoài dải sản phẩm xe điện của VinFast, BYD cũng vừa giới thiệu 3 mẫu xe mới, Lynk&Co, GAC, MG, Audi, Mercedes-Benz hay Porsche đều bổ sung xe điện vào danh mục sản phẩm của mình.
Khi ô tô điện “ồ ạt” vào Việt Nam thì một vấn đề nảy sinh là người dùng xe điện sẽ sạc tại đâu? Chúng ta đang gần như không có các trạm sạc xe điện công cộng khiến một số hãng xe phải đặt trạm sạc riêng tại các showroom phân phối, tuy nhiên, nếu bán được nhiều xe thì các trụ sạc tại showroom dường như chắc chắn không đáp ứng đủ nhu cầu.
Hiện tại, mới chỉ có duy nhất VinFast là đặt được các trạm sạc nhanh và “phủ sóng” khắp các tỉnh thành. Trạm sạc của VinFast được ưu tiên đặt tại các địa điểm như đường quốc lộ, cao tốc (10 trụ sạc); cửa hàng xăng dầu (2 trụ sạc); bãi để xe của trung tâm thương mại (8-10 trụ sạc); các bến, bãi đỗ xe tĩnh (5-10 trụ sạc) và một số chung cư thương mại, văn phòng (7-9 trụ sạc). Những trạm sạc kể trên đều là trạm sạc hỗn hợp, nghĩa là bao gồm cả sạc nhanh DC (công suất từ 30-60 kW) và sạc chậm (11 kW).
Song, điều đáng nói là VinFast không chia sẻ trạm sạc với các hãng xe điện khác. Bản thân các trạm sạc này hiện cũng đang ở mức quá tải vào những khung giờ nhất định khi tài xế của các hãng taxi điện dùng chung với xe cá nhân.
Chính điều này khiến nhiều người có ý định mua xe điện hoặc đã đặt cọc sắp sở hữu xe điện nghĩ đến phương án sạc tại nhà. Nhưng sạc tại nhà thì sạc như thế nào? Có an toàn không? Gặp các vấn đề gì?… thì họ lại chưa hình dung ra được.
Giải pháp sạc ô tô điện tại nhà có hiệu quả?
Các hãng ô tô điện tại Việt Nam khi giới thiệu sản phẩm đều tuyên bố tặng kèm cho khách hàng một bộ sạc di động, giúp khách hàng có thể chủ động sạc pin tại nhà hoặc những nơi không có trạm sạc công cộng.
Tuy nhiên, đa số các loại sạc di động này đều có công suất rất nhỏ, chỉ từ 2,2 – 3,5 kW. Nghĩa là, trên lý thuyết, có thể dùng bộ sạc này để sạc đầy 100% cho một chiếc VF e34 (pin 42 kWh) trong khoảng thời gian… 12-19 tiếng đồng hồ. Thời gian sạc trên thực tế sẽ thay đổi tùy thuộc vào các yếu tố như tình trạng pin, chất lượng bộ sạc, dung lượng tối đa và tác động của môi trường. Khoảng thời gian chờ đợi nêu trên, theo đánh giá của người dùng là quá dài, không phù hợp để sạc đầy pin mà chỉ là “phao cứu sinh” khi không còn sự lựa chọn nào khác.
Từ thực trạng thiếu điểm sạc công cộng, trong khi sạc di động không đáp ứng được nhu cầu, nhiều người dùng quyết định mua thêm bộ sạc tại nhà (Home Charger) dạng treo tường với công suất lớn.
Trên thị trường, hiện có khá nhiều loại Home Charger được nhập khẩu từ nước ngoài và bán tại Việt Nam. Công suất của các bộ sạc này thường là 7 kW, 11 kW, 22 kW (đối với sạc AC), thậm chí có thể đăng ký thủ tục cấp điện 3 pha để lắp đặt sạc DC công suất 30 kW.
Hiện tại, Việt Nam chưa có quy định cụ thể về áp dụng chuẩn sạc bắt buộc cho ô tô điện như một số quốc gia phát triển. Tuy nhiên, kể từ khi VinFast chính thức phát triển xe điện, đi kèm hệ thống trạm sạc theo chuẩn AC type và DC CCS2 của châu Âu thì gần như đã mặc định trở thành chuẩn sạc chung được sử dụng tại Việt Nam.
Các hãng xe điện nhập khẩu khi đưa sản phẩm vào thị trường Việt Nam cũng đều sẽ thống nhất sử dụng một trong hai chuẩn sạc này, ví dụ như Hyundai Ioniq 5, Wuling Hongguang MiniEV, Kia EV6, Porsche Taycan, Audi Q5 e-tron…
Có các loại sạc tại nhà rồi, song, điều khó khăn nhất đối với các chủ xe điện là cần phải có mặt bằng để làm nơi đỗ xe, kết hợp lắp đặt, đăng ký điện 3 pha. Đây là một sự thiệt thòi lớn đối với các chủ xe đang sống ở chung cư hoặc trong ngõ, ngách nhỏ.
Giải pháp sạc xe điện tại nhà là có, nhưng làm sao để nó trở nên dễ dùng và được sử dụng một cách phổ biến thì chưa.