Ngày 22/6, Reuters đưa tin từ các luật sư cho biết, tòa án phá sản Hoa Kỳ thông báo “Fisker không còn khả năng hoạt động tài chính”, lập tức hai phe chủ nợ vào cuộc chiến tranh giành tài sản còn sót lại của hãng xe điện kém may mắn.
Fisker nợ hai nhóm chủ nợ khoảng 850 triệu USD và luật sư của nhóm lớn hơn đã cáo buộc nhóm còn lại giành quyền kiểm soát khoản nợ thông qua một giao dịch đáng ngờ với Fisker.
Luật sư của Fisker nói với thẩm phán tòa án phá sản Hoa Kỳ, ông Thomas Horan rằng công ty có kế hoạch thanh lý tài sản và đạt được thỏa thuận với một người mua duy nhất cho tất cả 4.300 chiếc xe còn lại.
Vì vậy, cuộc chiến giành giật tài sản còn lại chính là 4.300 chiếc xe SUV hiệu Fisker Ocean và một số nhà xưởng, các quyền sở hữu trí tuệ về thiết kế và giấy phép sản xuất ô tô tại Mỹ.
Hiện tại, một trong hai nhóm chủ nợ tiếp tục kiện nhóm còn lại, do e ngại điều khoản phá sản sẽ bị thay thế bằng quyền tự thanh lý tài sản cho chủ nợ, theo Chương 7 Luật phá sản Mỹ.
Điểm khác biệt là khi bị tuyên phá sản, tài sản sẽ được tòa án thanh lý và chia số tiền thu được cho các bên cho vay, theo tỷ lệ tương ứng.
Số phận của Fisker đã bị định đoạt vào tháng 3, khi hãng không đạt được thỏa thuận hỗ trợ tài chính và công nghệ từ Nissan.
Trước đó, từ tháng 11/2023 Fisker phải tạm dừng sản xuất và sa thải bớt nhân viên để tiết giảm chi phí.
Thị trường xe điện cạnh tranh khốc liệt đã chứng kiến một số công ty như Nikola, Proterra, Lordstown và Electric Last Mile Solutions phá sản trong hai năm qua khi họ phải vật lộn với nhu cầu suy yếu và thách thức từ các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu.
Fisker có trụ sở tại California, do nhà thiết kế ô tô Henrik Fisker sáng lập và hoạt động chưa bao giờ có lãi.
Hãng bán ra duy nhất một mẫu xe SUV điện Fisker Ocean có 4 phiên bản với giá từ 41.000 đến 54.000 USD/chiếc, doanh thu năm ngoái khoảng 273 triệu USD và lỗ ròng 940 triệu USD.