Báo Les Echos vừa đăng bài nhận định tổng quan về hậu quả của quyết định tăng thuế phụ thu mà Liên minh châu Âu (EU) áp dụng đối với xe điện Trung Quốc, trong đó hãng ô tô MG “dính đòn” nặng, Tesla và Dacia bị vạ lây, các hãng xe Đức chịu áp lực…
Theo bài viết, sau nhiều tuần chờ đợi, Ủy ban châu Âu (EC) đã ra quyết định tăng thuế hải quan phụ thu cao hơn dự kiến đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
SAIC, công ty mẹ của thương hiệu MG, là nhà sản xuất bị xử phạt nặng nề nhất với mức phụ thu lên tới 38,1%. Thuộc sở hữu của tập đoàn nhà nước SAIC từ năm 2007, tái đầu tư vào châu Âu năm 2020, MG cho đến nay đã đạt được thành công lớn.
Theo dữ liệu từ nhà phân tích Matthias Schmidt, các thương hiệu Trung Quốc chỉ chiếm 2,9% tổng doanh số bán ô tô ở Tây Âu trong 4 tháng đầu năm, nhưng riêng MG đã chiếm tới 61% con số này nhờ chính sách giá rất quyết liệt.
Tình hình có thể sẽ bớt tươi sáng hơn trong thời gian tới. Tỷ suất lợi nhuận của MG và BYD ở châu Âu được các nhà phân tích đánh giá là đáng kể. Khi mẫu xe điện MG4 mất quyền tiếp cận phần thưởng sinh thái 4.000 euro (4.290 USD) ở Pháp vào cuối năm 2023, thương hiệu này đã bù đắp bằng việc giảm giá 5.000 euro. Nhưng tới đây, tổng mức thuế nhập cảnh là 48,1% trên khắp châu Âu sẽ khó chấp nhận hơn nhiều và MG chắc chắn sẽ phải tăng giá.
Có vẻ EC đã bớt nặng tay hơn đối với BYD, vốn chỉ bị áp mức thuế phụ thu 17,4% và do đó mức thuế tổng cộng sẽ là 27,4% – mức đủ để tạo ra chi phí bổ sung vài nghìn euro cho mỗi chiếc ô tô. Điều này sẽ làm giảm lợi nhuận dự kiến của hãng tại thị trường châu Âu, trong khi BYD đang tiến hành một cuộc chiến giá cả tàn khốc trên thị trường nội địa.
Theo một số nhà phân tích, tỷ suất lợi nhuận có được sẽ cho phép hãng này hấp thụ phần lớn cú sốc, đồng thời vẫn giữ được mức giá thấp hơn đáng kể so với các thương hiệu phương Tây. BYD chắc chắn cũng sẽ đẩy nhanh việc mở rộng ưu đãi ở châu Âu đối với các mẫu xe plug-in hybrid vốn được miễn phụ phí.
Tập đoàn Thâm Quyến cũng đang nóng lòng chờ đợi lễ khánh thành nhà máy sản xuất ở Hungary vào cuối năm 2025 và nhờ vậy sẽ thoát khỏi mọi biện pháp hạn chế nhập khẩu vào châu Âu. MG chậm bước hơn nhưng cũng đang tìm kiếm địa điểm tốt nhất để xây dựng nhà máy.
Geely, nhà sản xuất thứ ba là đối tượng của một cuộc điều tra riêng rẽ, bị áp mức phụ thu 20%. Điều này chủ yếu sẽ tác động đến thương hiệu Volvo mà tập đoàn này nắm quyền kiểm soát. Như vậy, thương hiệu Thụy Điển có thể sẽ buộc phải tăng giá EX30 lắp ráp tại Trung Quốc, trong khi mẫu xe này đứng ở vị trí thứ hai về doanh số bán xe điện ở châu Âu trong tháng 4.
Nhưng Volvo đã thông báo vào mùa Thu năm ngoái rằng từ năm 2025, thương hiệu này sẽ sản xuất một loại xe SUV cỡ nhỏ tại một nhà máy ở Bỉ. Về phần mình, BMW, hãng sản xuất chiếc Mini chạy điện 3 cửa tại Trung Quốc, đang có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất về Anh từ năm 2026.
bnews.vn