Chị Hoàng Thị Hồng Anh ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Từ tháng 6/2024 chị đã được nghe có thông tin sắp ban hành chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước. Hai vợ chồng dự tính sẽ mua một chiếc Kia Seltos, nên đã lân la đến một số đại lý quanh khu vực Cầu Giấy và Nam Từ Liêm (Hà Nội) để hỏi. Được nhân viên bán hàng tư vấn nhiệt tình với chính sách từ đại lý là nhận đặt cọc xe tầm 20 triệu đồng để đợi ưu đãi, nếu không mua đại lý sẵn sàng hoàn cọc. Rất bùi tai, hai vợ chồng quyết tâm xuống tiền đặt cọc xe, nhưng chờ mãi không thấy chính sách ban hành, có khi chúng tôi rút cọc chờ ưu đãi từ hãng”.
Trong khi đó, chị Trần Thanh, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, vào khoảng đầu tháng 6/2024 chị đã đặt mua một chiếc ô tô lắp ráp trong nước của Honda. Khi đến một đại lý ở Mỹ Đình, được nhân viên nhiệt tình tư vấn rằng “khả năng rất cao, lên đến 80%” là sang tháng 7/2024 Chính phủ sẽ áp dụng chính sách giảm mức LPTB. Nếu mua xe vào thời điểm này khách hàng sẽ được hưởng ưu đãi kép từ cả đại lý và Chính phủ. Nghe vậy, chị đã quyết định đặt cọc xe nhưng đến giờ vẫn chưa thấy chính sách ban hành, cũng không vội lấy xe nên chị vẫn chờ thêm một thời gian nữa.
Với kinh nghiệm làm sale hơn 10 năm, anh Dũng tư vấn viên bán hàng của một đại lý Toyota trên địa bàn Hà Nội cho biết, việc được giảm 50% LPTB sẽ giúp người mua xe ô tô có tâm lý thoải mái và dễ dàng chốt đơn hơn. Việc giảm lệ phí trước bạ theo đánh giá của nhiều người không chỉ đem lại lợi ích cho người mua ô tô mà còn giúp viên kinh doanh ô tô và đại lý thuận lợi hơn trong việc chốt đơn, tăng doanh số bán hàng.
“Nếu chính sách được ban hành, người mua xe sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí. Tâm lý người tiêu dùng dù là giảm mấy chục triệu cho cả chiếc xe tiền tỷ thì vẫn cảm thấy thích và sẽ thoải mái hơn khi chốt mua chiếc xe đó” – anh Dũng cho biết.
Tuy nhiên, tại tờ trình mới nhất gửi Chính phủ trong tháng 7 vừa qua, Bộ Tài chính đề xuất phương án cân nhắc không giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Nguyên nhân là do nhiều bộ ngành lo ngại việc giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ vi phạm cam kết quốc tế.
Bộ Tài chính đánh giá cụ thể tác động của việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, việc vi phạm các cam kết quốc tế và đề xuất 2 phương án.
Phương án 1: Cân nhắc không thực hiện giảm mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Phương án 2: Giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng.
Khi thông tin giảm LPTB chưa được công bố chính thức như vậy cũng đã tạo áp lực tâm lý lên cả người mua và người bán. Do tâm lý của khách hàng muốn chờ đến lúc chính thức giảm lệ phí trước bạ mới chốt mua xe nên thị trường đang tưởng chừng như sắp “nở hoa” lại rơi vào cảnh trầm lắng
Nhưng tâm lý chờ đợi khiến cho nhiều nhân viên sale lâm vào cảnh dở khóc dở cười khi mà các mẫu xe luôn sẵn để giao nhưng khách hàng vẫn đắn đo không chịu xuống tiền chốt xe.
Anh Nguyễn Đình Tuấn một nhân viên kinh doanh ô tô lâu năm cho biết: “Việc giảm LPTB sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới số tiền lăn bánh của chiếc xe nên nhiều khách hàng có tâm lý chờ thông tin chính thức sau đó mới đưa ra quyết định mua mẫu xe nào. Có những khách hàng đặt cọc rồi, không đợi được đã muốn rút cọc, mặc dù chúng tôi cũng cố gắng phân tích là mong muốn họ chờ đợi thêm một hai tuần nữa”.
Khách hàng muốn hủy hợp đồng nếu không giảm LPTB
Sau khi thông tin có thể không không được giảm LPTB được đăng tải, nhiều khách hàng tỏ ra hoang mang và muốn hủy hợp đồng.
Anh Dũng cho biết, vừa rồi đã có một số khách hàng ký đặt cọc để mua xe và chờ có thông tin giảm LPTB sau đó mới xuống tiền thanh toán nhận xe và hoàn thiện thủ tục đăng ký xe. Nhưng khi báo chí liên tục đưa các thông tin khả năng cao Chính phủ không ban hành chính sách giảm LPTB, nhiều khách hàng đã đòi hủy hợp đồng và muốn nhận lại tiền cọc.
Dù chưa có thông tin chính thức, nhưng điều này đã ảnh hưởng khá nhiều tới tâm lý người có ý định mua xe và các đại lý. Thậm chí nhiều khách hàng đã quyết định hủy hợp đồng đặt cọc.
Anh Dũng cho biết thêm: “Theo điều khoản thoả thuận của hợp đồng đặt cọc ký kết giữa khách hàng và đại lý, tuỳ từng bên sẽ nhận cọc số tiền khác nhau, có thể là 10 triệu đồng hoặc 20 triệu đồng. Nếu khách hàng đơn phương hủy hợp đồng sẽ không được đại lý hoàn trả số tiền cọc. Như vậy phần thiệt thòi sẽ về phía khách hàng, nên đa phần những trường hợp này các tư vấn viên bán hàng sẽ sẽ cố gắng thuyết phục khách chờ thông tin chính thức rồi hãy quyết định”.
“Trong trường hợp không có chính sách giảm LPTB thì về phía đại lý và chính tư vấn viên bán hành cũng sẽ cố có chính sách hỗ trợ khách hàng một cách tối ưu nhất. Như vậy vui lòng người bán mà cũng đẹp lòng người mua, khách hàng đã xuống tiền cọc mua xe cũng không bị mất tiền” – anh Dũng bày tỏ.
Tại công điện ngày 21/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và quý III.
Trong đó, Bộ Tài chính cũng được yêu cầu cần sớm hoàn thiện, trình Chính phủ chính sách giảm phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trong tháng 7/2024. Thực tế, nhiệm vụ này từng được Thủ tướng giao Bộ hoàn thành từ tháng 5, nhưng ở phương án đưa ra khi đó cơ quan quản lý tài chính đề nghị Chính phủ cân nhắc không thực hiện chính sách.
Lý do được nhắc đến là thời gian qua Việt Nam nhận được nhiều yêu cầu giải thích khi chính sách có sự phân biệt áp dụng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu. Hiện nay thông tin vẫn đang bấp bênh, chưa được ngã ngũ, chính vì vậy khách hàng nếu đã đặt cọc xe thì cũng nên cân nhắc nghiên cứu chờ đợi thêm thông tin chính thức.