Lốp xe là một trong những bộ phận quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận hành của ôtô, đặc biệt trong điều kiện mặt đường trơn trượt. Lốp xe phải còn gai, không bị mòn, để đảm bảo độ bám đường tốt. Khi gai lốp bị mòn, các rãnh thoát nước giảm hiệu quả, dẫn đến tình trạng trượt nước, làm giảm độ bám và tài xế có thể mất kiểm soát xe, gây ra tai nạn.
Việc kiểm tra độ mòn của lốp có thể thực hiện dễ dàng bằng cách quan sát các điểm nằm giữa các rãnh gai lốp. Ngoài ra, cần chú ý không bơm lốp quá căng vì bánh xe càng cứng sẽ càng giảm độ bám đường. Áp suất lốp nên tuân theo khuyến cáo của nhà sản xuất, thông tin này thường được dán trên khung cửa xe.
Hệ thống phanh
Mặt đường ướt khiến xe cần khoảng cách lớn hơn để phanh dừng so với mặt đường khô. Do đó, phanh phải luôn trong tình trạng tối ưu để tài xế có thể xử lý kịp thời trong những tình huống nguy hiểm. Nếu cảm thấy bàn đạp phanh lỏng, có tiếng động lạ khi đạp phanh, hoặc bàn đạp bị rung khi xe đang vận hành, chủ xe cần mang phương tiện đến cơ sở bảo dưỡng để kiểm tra và bảo trì hệ thống phanh. Thông thường, việc bảo trì gồm thay má phanh, châm hoặc thay thế dầu phanh, phục hồi bề mặt đĩa phanh và vệ sinh hệ thống.
Cần gạt nước
Cần gạt nước là bộ phận quan trọng giúp tài xế có tầm nhìn rõ khi lái xe trong mưa. Nếu lưỡi gạt có dấu hiệu nứt, mẻ, bề mặt bị xơ hóa, cứng lại, chủ xe nên thay lưỡi gạt mới. Trên thị trường hiện có nhiều loại gạt nước, giá từ 100.000-200.000 đồng.
Nên chọn loại lưỡi gạt đúng kích thước và kiểu gắn gạt nguyên bản của xe. Một cách kiểm tra khác là lắng nghe âm thanh lúc gạt nước hoạt động. Nếu bình thường sẽ không có tiếng rít gây khó chịu, gạt mưa di chuyển mượt mà, không khựng. Các chuyên gia khuyến cáo gạt nước nên được thay mỗi 6 tháng một lần.
Ngoài ra, chủ xe có thể tự phủ dung dịch chống nước lên kính lái để cải thiện tầm nhìn trong trời mưa. Dung dịch này có thể được phủ lên kính lái, kính hậu và được bán với giá khoảng 250.000-300.000 đồng tại các cửa hàng bán phụ kiện xe.
Hệ thống đèn
Hệ thống đèn của xe có thể được kiểm tra bằng cách nổ máy, bật công tắc đèn, bật công tắc đèn khẩn cấp (hazard), đèn sương mù, cài phanh tay, và ra khỏi xe để quan sát. Đèn pha có thể kiểm tra bằng cách chiếu sáng vào tường, và đèn lùi nên nhờ người khác quan sát.
Ngoài ra, toàn bộ đèn xe nên được lau sạch sau khi đi ngoài mưa vì đèn xe dính bùn bẩn sẽ giảm khả năng chiếu sáng, gây nguy hiểm cho tài xế và các phương tiện đang lưu thông trên đường.