Hai ứng viên Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới đang có những quan điểm rất khác nhau về xe điện. Đáng chú ý nhất là quan điểm của Donald Trump có những thay đổi bất ngờ về nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.
Cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới đang vô cùng căng thẳng giữa ứng cử viên Đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên Đảng Dân chủ, phó Tổng thống đương nhiệm Kamala Harris. Sự kiện chính trị này tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội tại Mỹ, bao gồm cả ngành công nghiệp ô tô nói chung và xe điện nói riêng vốn đang thu hút được nhiều sự đầu tư của chính phủ.
Cả 2 ứng cử viên của hai chính đảng đều có những quan điểm trái ngược về việc phát triển loại hình xe năng lượng xanh. Trong khi phó Tổng thống Kamala Harris được cho là sẽ tiếp nối chính sách tập trung phát triển xe điện của Tổng thống Joe Biden, thì ông Donald Trump lại bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với xe điện.
Theo ông Trump, xe điện là loại phương tiện quá đắt đỏ và khả năng hoạt động không đủ xa để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Ông cùng với người đồng hành của mình – Thượng nghị sĩ JD Vance, phát động một cuộc chiến chống lại xe điện.
Bên cạnh đó, ông khẳng định ngành công nghiệp ô tô Mỹ sẽ gặp khủng hoảng trước sự cạnh tranh từ ô tô Trung Quốc nếu ông không thắng cử và ông muốn chấm dứt ngay những ưu đãi của chính phủ dành cho xe điện.
Dẫu vậy, trong Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa vừa diễn ra tuần qua ở Milwaukee, ông Trump lại đột ngột thay đổi thái độ khi bày tỏ sự cởi mở bất ngờ đối với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đầu tư xây dựng nhà máy tại Mỹ.
Theo ông, những nhà máy sản xuất ô tô lớn của Trung Quốc đang được xây dựng ở Mexico và chúng (những nhà máy ô tô Trung Quốc) sẽ sớm có mặt tại Mỹ, do người Mỹ điều hành.
Phát ngôn này ngay lập tức gây ngạc nhiên cho các nhà lãnh đạo trong ngành công nghiệp ô tô Mỹ vốn luôn lo ngại trước sự cạnh tranh của các loại xe điện tiên tiến giá rẻ tới từ Trung Quốc, đồng thời, cũng gây bất ngờ cho nhiều nhà lập pháp từ Đảng Cộng hòa vốn cứng rắn trong vấn đề với Trung Quốc.
Thậm chí, ông Trump còn ngụ ý về khả năng sửa đổi Hiệp định thương mại tự do Mỹ – Mexico – Canada (USMCA – được ký tháng 7/2020 bởi Trump) và áp thuế tới 200% để ngăn chặn ô tô từ Mexico xâm nhập vào thị trường Mỹ. Điều này sẽ gây xáo trộn lớn cho ngành công nghiệp xe hơi Mỹ khi cường quốc này đang nhập khẩu số lượng lớn ô tô từ Mexico. Hàng loạt các hãng xe lớn như General Motors, Ford, Mazda, Nissan, BMW, … đều có cơ sở sản xuất hoặc đang xây dựng nhà máy mới tại Mexico để phục vụ thị trường Mỹ.
Trong đó, nhiều mẫu xe điện được sản xuất tại đây như Chevy Blazer EV và Equinox EV mới, được sản xuất tại nhà máy Ramoz Arizpe của GM. Hãng xe điện Trung Quốc BYD và ông lớn số 1 của Mỹ là Tesla đều có kế hoạch xây dựng nhà máy ở Mexico.
Theo Hiệp định USMCA, xe ô tô nhập xuyên biên giới từ Mexico vào Mỹ đáp ứng đủ điều kiện xuất xứ sẽ không phải chịu thuế.
Trong nhiệm kỳ của mình trước đây, ông Trump đã áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc và dưới thời Tổng thống Joe Biden, chính phủ Mỹ tăng thuế lên tới hơn 100% đối với xe điện nhập khẩu từ quốc gia châu Á này. Tuy nhiên, động thái gần đây cho thấy các hãng xe lớn của Trung Quốc đã chuyển hướng mở nhà máy tại Mexico để có thể né được khoản thuế trên.
Hiện, chưa có chính sách cụ thể riêng biệt nào cho những mẫu xe điện Trung Quốc được sản xuất tại Mexico và nhập vào Mỹ nằm ngoài Hiệp định USMCA đã ký. Do đó, đây có thể là lý do mà ông Trump muốn “đánh mạnh” vào xe nhập khẩu từ Mexico để lôi kéo các hãng đầu tư vào Mỹ.
Tờ Insideev đánh giá, phát ngôn của ông Donald Trump sẽ cần phải kiểm chứng trên thực tế vì ông là người hay thay đổi bất ngờ.
Bởi, ngay trong cùng một bài phát biểu, ông Trump đã thề sẽ chấm dứt “ lệnh bắt buộc dùng xe điện ” ngay từ ngày đầu tiên, nếu ông được tái đắc cử.
Ai cũng biết, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản bắt đầu chinh phục thị trường Mỹ từ thập niên 1980 bằng nỗ lực đầu tư xây dựng nhà máy tại đây. Liên tiếp nhiều năm sau đó, ô tô Nhật Bản đã thống trị thị trường Mỹ, trong đó, Toyota là hãng xe bán chạy số 1.
Với lĩnh vực xe điện và sở hữu công nghệ pin, Trung Quốc có thể còn làm tốt hơn. Tuy nhiên, nếu Trump đắc cử và bật đèn xanh cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, các nhà sản xuất trong nước sẽ không ngồi yên. Họ có thể sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn điều đó xảy ra.
Theo Insideev