Trong tháng 6, báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy toàn thị trường đã tiêu thụ tổng cộng 26.575 ôtô các loại, tăng trưởng 3% so với kỳ báo cáo liền trước. Nhóm ôtô du lịch tiếp tục chiếm chủ đạo khi đóng góp 19.944 xe vào doanh số toàn thị trường ôtô Việt Nam, tương đương mức tăng trưởng 9%.
“Tân binh” thị uy
Không nằm ngoài xu hướng chung của toàn thị trường, phân khúc SUV cỡ B cũng ghi nhận doanh số có sự tăng trưởng so với kỳ báo cáo trước. Cụ thể, tổng lượng tiêu thụ của Mitsubishi Xforce, Toyota Yaris Cross, Toyota Corolla Cross, Hyundai Creta, Kia Seltos, Honda HR-V và bộ đôi Mazda CX-3/CX-30 trong tháng vừa rồi đạt 4.212 xe, tương đương mức tăng trưởng 4,2% so với sức bán 4.041 xe từng đạt được ở kỳ báo cáo tháng 5.
“Tân binh” Mitsubishi Xforce quay trở lại ngôi đầu phân khúc khi sở hữu doanh số 948 xe ở kỳ báo cáo cuối cùng của quý II. Trong 4 tháng đầu tiên có mặt trên thị trường ôtô Việt Nam, Mitsubishi Xforce đã có 2 lần trở thành mẫu SUV đô thị bán chạy nhất và chưa từng nằm ngoài top 3 mẫu xe sở hữu doanh số cao nhất phân khúc.
Trong khi đó, Toyota Yaris Cross giảm nhẹ khoảng 10% doanh số so với kỳ báo cáo tháng 5, đạt lượng tiêu thụ 811 xe trong tháng 6. Cú trượt chân của Yaris Cross là nguyên nhân chủ yếu khiến mẫu SUV cỡ B này phải chấp nhận xếp sau đối thủ đồng hương Mitsubishi Xforce.
Cũng trong tháng 6, Hyundai Creta, Toyota Corolla Cross và Kia Seltos thu về doanh số tương ứng lần lượt 686 xe, 661 xe và 587 xe. Sức bán gần 700 xe trong tháng vừa rồi tuy không quá đáng kể nhưng là vừa đủ để Hyundai Creta có lần đầu tiên xuất hiện trong top 10 ôtô bán chạy nhất toàn thị trường Việt Nam kể từ đầu năm.
Trong khi đó, Toyota Corolla Cross ở tháng thứ hai của thế hệ mới đã không còn duy trì được sức bán ấn tượng như tại kỳ báo cáo trước. Hồi tháng 5, Toyota Corolla Cross từng ghi nhận doanh số 996 xe, là mẫu SUV đô thị bán chạy nhất phân khúc đồng thời trở thành một trong 3 cái tên sở hữu doanh số tốt nhất toàn thị trường xe Việt.
Về phần mình, Kia Seltos đã tăng trưởng doanh số liên tục từ tháng 2 đến nay, tuy nhiên bước tăng trưởng giữa từng kỳ báo cáo là không quá đáng kể. Doanh số gần 600 xe trong tháng 6 chỉ đủ giúp Kia Seltos xếp trên Honda HR-V (237 xe), Mazda CX-3 (190 xe) và Mazda CX-30 với doanh số 92 xe ở tháng cuối quý II.
Một trường hợp thú vị khác trong phân khúc SUV cỡ B là Honda HR-V. Ở giai đoạn đầu quý I, Honda HR-V từng được xem như một “hiện tượng” khi liên tục dẫn đầu phân khúc, đồng thời trở thành ôtô bán chạy nhất của thương hiệu Honda tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, doanh số của Honda HR-V nhanh chóng rơi vào tình trạng sa sút trong phần còn lại của nửa đầu năm 2024, khiến mẫu SUV cỡ B nhập khẩu Thái Lan không còn đủ sức cạnh tranh cho các vị trí dẫn đầu về lượng tiêu thụ.
Trong tháng 6, sức mua của Honda HR-V tại thị trường Việt đã tăng hơn gấp đôi, đạt 237 xe so với 107 ở kỳ báo cáo tháng 5. Tuy nhiên, thành tích bán hàng này là chưa đủ để Honda HR-V xuất hiện ở nửa trên bảng thống kê doanh số của phân khúc SUV đô thị.
Xe Nhật thắng thế
Với tổng cộng 8 đại diện đua tranh doanh số, phân khúc SUV cỡ B được xem là một trong những điểm nóng nhất của thị trường ôtô Việt Nam. Năm ngoái, Toyota Corolla Cross từng cùng với Hyundai Creta tạo ra một cuộc đua song mã Nhật-Hàn khá hấp dẫn, với chiến thắng chỉ thuộc về đại diện Hàn Quốc nhờ sự sa sút bất ngờ của Corolla Cross trong quý cuối năm.
Tuy nhiên, nửa đầu năm 2024 lại đang chứng kiến sự vượt trội của nhóm SUV cỡ B thương hiệu Nhật Bản khi cả Toyota Yaris Cross hay “tân binh” Mitsubishi Xforce đều đang bán tốt hơn so với Hyundai Creta và Kia Seltos.
Tính từ đầu năm, Mitsubishi Xforce đang tạm thời là cái tên dẫn đầu với doanh số lũy kế đạt 3.890 xe. Thành tích bán hàng này thậm chí còn trở nên ấn tượng hơn khi biết rằng Mitsubishi chỉ vừa bàn giao những mẫu Xforce đầu tiên đến tay khách hàng Việt từ tháng 3.
Trong khi đó, Toyota Yaris Cross sau giai đoạn đầu năm tương đối chật vật đang trở lại đường đua doanh số nhờ quý II khá bùng nổ. Với 3.750 xe bán ra từ đầu năm, mẫu SUV cỡ B nhập khẩu Indonesia đang là cái tên bán tốt thứ nhì phân khúc, chỉ xếp sau “tân binh” Mitsubishi Xforce về lượng tiêu thụ.
Hyundai Creta (2.814 xe sau 6 tháng) và Kia Seltos (2.607 xe) là những cái tên bán chạy tiếp theo trong phân khúc SUV cỡ B. Dù thị trường xe Việt mới chỉ đi qua nửa đầu tiên của năm 2024, chiến thắng có vẻ như sẽ thuộc về một đại diện Nhật Bản bởi khoảng cách lên đến gần 1.000 xe hiện tại giữa Yaris Cross và Creta.
Chỉ duy nhất Kia Seltos là cái tên hiếm hoi đang tăng trưởng doanh số đều đặn, nhưng sức bán tốt của Mitsubishi Xforce và Toyota Yaris Cross ở nhóm trên vào lúc này khiến cơ hội của 2 mẫu xe Hàn Quốc được đánh giá gần như là không còn.
Đừng xem thường “làn sóng” ôtô Trung Quốc
Dù đang bán tốt sở hữu thị phần lớn trong phân khúc SUV đô thị, nhóm xe Nhật Bản cũng cần phải dè chừng trước “làn sóng” đổ bộ của các mẫu xe Trung Quốc.
Hồi cuối tháng trước, Lynk & Co 06 đã ra mắt khách hàng Việt Nam với mức giá 729 triệu đồng và được định vị trong phân khúc SUV cỡ B, sẵn sàng cạnh tranh với các đối thủ như Mitsubishi Xforce, Toyota Yaris Cross, Hyundai Creta hay Kia Seltos.
Ngoài ra, Omoda C5 hay Haval Jolion là những mẫu xe Trung Quốc cũng sớm trình làng khách hàng Việt trong phần còn lại của năm nay, tạo ra một cuộc đua tranh được dự báo sẽ khá khốc liệt trong phân khúc SUV cỡ B.
BYD Atto 3 cũng được đánh giá sẽ là một đại diện đáng gờm trong phân khúc SUV đô thị. Được biết, BYD Atto 3 cùng với BYD Dolphin và BYD Seal sẽ được hãng xe Trung Quốc công bố giá bán vào ngày 18/7 sắp tới.
Tại thị trường Thái Lan, BYD Atto 3 được bán với giá khởi điểm 1,099 triệu baht (tương đương 742 triệu đồng). Nhiều khả năng, mức giá chính thức của Atto 3 tại thị trường Việt Nam sẽ dao động trong khoảng 750-850 triệu đồng tùy phiên bản.