Theo News.Az, sau khi gần như bị đình trệ hoàn toàn vào 2 năm trước, thị trường ôtô tại Nga đã cho thấy những tín hiệu phục hồi đáng kể với doanh số dự kiến đạt 1,3 triệu xe khi năm 2024 khép lại. Trong khoảng 2 năm gần đây, giá trung bình của ôtô mới ở Nga đã tăng gần 1 triệu rúp (khoảng 11.670 USD), tương đương mức tăng xấp xỉ 49%.
Thị trường Nga tràn ngập ôtô Trung Quốc
Ôtô Trung Quốc được cho là đóng vai trò quan trọng trong đà phục hồi mạnh mẽ của thị trường xe mới ở Nga. Theo một cuộc khảo sát do Rambler&Co cùng các nhà phân tích của SberInsurance thực hiện, cứ 3 người dân Nga được hỏi thì sẽ có một người sẵn sàng chuyển sang sử dụng ôtô Trung Quốc.
Cũng trong khảo sát này, có khoảng 20% người dân Nga cho biết rất quen thuộc với các thương hiệu ôtô Trung Quốc đang có mặt trên thị trường. Có 44% người cho biết không hiểu cặn kẽ về ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc, trong khi 36% khác tuyên bố không biết gì về ôtô Trung Quốc.
Khoảng 10% số người được hỏi cho biết đang sở hữu một chiếc ôtô thương hiệu Trung Quốc, trong khi 55% người tham gia khảo sát cho biết có một người quen đang cầm lái ôtô của các hãng xe đến từ quốc gia tỷ dân.
Theo News.Az, kết quả nói trên không có gì quá bất ngờ, bởi nhu cầu dành cho ôtô Trung Quốc tại Nga đã tăng trưởng gấp ba lần trong giai đoạn gần đây. Sau khi các thương hiệu ôtô nước ngoài lần lượt rời bỏ thị trường Nga, đặc biệt ở phân khúc phổ thông, hoạt động sản xuất ôtô trong nước cũng như nhập khẩu đều không thể đáp ứng nhu cầu của người dân xứ sở bạch dương.
Điều này đã gián tiếp mở ra cơ hội cho ôtô Trung Quốc tại thị trường Nga. Năm ngoái, các hãng sản xuất ôtô Trung Quốc nắm giữ hơn một nửa thị phần xe mới tại Nga với gần 60 thương hiệu khác nhau. Theo News.Az, các hãng xe Trung Quốc đã hoàn tất giới thiệu gần 100 mẫu xe mới cho khách hàng Nga chỉ riêng trong năm 2023.
Trong năm 2023, Lada – thương hiệu ôtô nội địa Nga – là hãng xe bán chạy nhất thị trường ôtô xứ sở bạch dương với doanh số 324.446 xe, nắm giữ 30,6% thị phần. Các hãng xe Trung Quốc bao gồm Chery, Haval, Geely và Changan lần lượt xếp sau trên bảng thống kê doanh số với lượng tiêu thụ đạt 118.950 xe, 111.720 xe, 93.553 xe và 47.765 xe.
Không ít hãng xe Trung Quốc đã ghi nhận sức tăng trưởng mạnh mẽ về doanh số tại thị trường Nga trong năm vừa rồi. Nổi bật nhất là thương hiệu Omoda của tập đoàn Chery khi doanh số tại Nga tăng trưởng 3.288%, còn Changan cũng bán tốt hơn 1.773% so với năm 2022.
Năm ngoái, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu ôtô hàng đầu thế giới với tổng số 4,91 triệu chiếc cung cấp cho các thị trường toàn cầu. Trong số này, thị trường Nga đã đón nhận 162.000 xe nhập khẩu từ Trung Quốc, một con số kỷ lục trong quan hệ giao thương giữa 2 nước, theo News.Az. Nhờ đó, tỷ trọng ôtô Trung Quốc trong nhóm hàng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc của Nga đã tăng từ 10% vào năm 2021 lên thành 92% trong năm 2023.
Mối đe dọa với ngành công nghiệp ôtô của Nga
Theo News.Az, các hãng xe Trung Quốc không phải là cái tên quá xa lạ với khách hàng Nga. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, những nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đang có cơ hội tiếp cận thị trường xứ sở bạch dương giữa lúc các hãng xe phương Tây đã rời đi, để lại những khoảng trống mênh mông trong hầu hết phân khúc.
Một số hãng xe địa phương của Nga như Avtotor, AvtoVAZ và UAZ buộc phải tạm dừng sản xuất do tình trạng thiếu hụt về phụ tùng và linh kiện. Ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt khiến gần một nửa số nhà máy sản xuất ôtô du lịch và xe thương mại hạng nhẹ tại Nga vẫn đang trong trạng thái ngừng hoạt động.
Vì vậy, thị trường Nga đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về số lượng mẫu xe có sẵn, dẫn đến giá bán tăng cao và doanh số bị kéo giảm. Các hãng xe Trung Quốc đã tranh thủ tình hình này và nhảy vào những mắt xích còn đang bỏ trống của ngành công nghiệp ôtô tại Nga.
Tuy nhiên theo News.Az, dù rất được ưa chuộng, xe Trung Quốc vẫn đang gặp phải ba vấn đề chính trong nỗ lực chinh phục thị trường Nga. Trang tin này cho rằng ôtô các thương hiệu Trung Quốc thường bị ăn mòn do nhiệt độ thay đổi đột ngột và các tác nhân gây hại trên đường, trong khi trục truyền động bằng kim loại mềm không được thiết kế để chịu tải trọng ngang lớn.
Quan trọng hơn, News.Az cho rằng hệ thống treo của các xe Trung Quốc có thể bị hỏng khi chịu tải từ sau mốc 70.000 km trên ODO. Trang tin này cũng nhận định phần lớn ôtô Trung Quốc đang bị giới hạn tuổi thọ ở mốc 200.000 km, tương ứng với khoảng 10 năm sử dụng.
Nhà sản xuất ôtô địa phương AvtoVAZ cũng cho rằng ngành công nghiệp ôtô của Nga đang phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng bởi sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc. Nghiên cứu cho thấy các hãng xe của Nga có thể chứng kiến sản lượng giảm đến 50% do sự xâm chiếm của ôtô Trung Quốc, trong khi nhu cầu xe nội địa của khách hàng Nga có dấu hiệu suy yếu.
Theo News.Az, việc nội địa hóa sản xuất các mẫu xe Trung Quốc có thể là giải pháp cứu lấy ngành công nghiệp sản xuất ôtô của Nga ở thời điểm hiện tại. Trang tin này cho biết nhà máy Avtotor có trụ sở tại Kaliningrad đã bắt đầu sản xuất các mẫu xe Trung Quốc. Một cơ sở sản xuất tại vùng Tula mở cửa từ năm 2019 đang phụ trách xuất xưởng các mẫu xe thương hiệu Haval của tập đoàn Great Wall Motors. Trong khi đó, Chery cũng đang cân nhắc tự sản xuất ôtô tại Nga hoặc thông qua một đối tác địa phương.
Xe điện thương hiệu Evolute cũng đang được sản xuất tại nhà máy ở vùng Lipetsk. Các xe van thương hiệu Sollers được lắp ráp tại nhà máy Tatarstan, còn Lada X-Cross 5 – mẫu crossover được Lada phát triển từ FAW Bestune T77 của Trung Quốc – đang được lắp ráp tại một cơ sở sản xuất gần St. Petersburg.
Trang tin News.Az cho rằng thị trường Nga đóng một vai trò rất quan trọng với ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc trong nỗ lực mở rộng sức ảnh hưởng. Trên thực tế, Nga đang được các hãng xe Trung Quốc xem như một bệ phóng để xâm nhập vào các thị trường lớn trên toàn cầu, đồng thời tìm kiếm cơ hội cạnh tranh với các đối thủ lâu đời từ Mỹ và châu Âu.
Thị trường Nga cũng đang không có nhiều sự lựa chọn dành cho khách hàng, bao gồm ôtô Trung Quốc, một số hãng nội địa và vài mẫu xe Hàn Quốc hay Nhật Bản. Mức độ cạnh tranh thấp khiến các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc vẫn đang sống khỏe tại thị trường Nga nhờ bán xe dưới hình thức nhập khẩu nguyên chiếc từ quê nhà.
Do đó, News.Az cho rằng việc các hãng xe Trung Quốc chọn thiết lập thêm hàng loạt cơ sở sản xuất tại Nga gần như là điều bất khả thi ở thời điểm hiện tại.