Theo đó, Toyota sẽ tạm dừng sản xuất các mẫu Yaris Cross và hai mẫu xe khác tại các nhà máy ở tỉnh Miyagi và Iwate.
Mazda cũng sẽ ngừng sản xuất mẫu Mazda2 và một mẫu xe khác tại các nhà máy ở tỉnh Hiroshima và Yamaguchi.
Toyota cho biết việc ngừng sản xuất sẽ kéo dài ít nhất đến cuối tháng này, trong khi Mazda chưa xác định được thời điểm các nhà máy của họ sẽ hoạt động trở lại.
Quyết định này không chỉ ảnh hưởng đến các nhà máy của Toyota và Mazda mà còn gây ra những lo ngại lớn về tác động đến các nền kinh tế địa phương và các đối tác kinh doanh.
Sản lượng của các mẫu xe bị tạm dừng sản xuất trong năm tài chính 2023 là 130.000 chiếc đối với Toyota và 15.000 chiếc đối với Mazda.
Việc tạm dừng sản xuất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 200 nhà cung cấp của Toyota, và con số này có thể lên đến hơn 1.000 nếu tính cả các nhà thầu phụ.
Mazda mua linh kiện trực tiếp từ khoảng 300 nhà cung cấp. Cả hai công ty đang xem xét việc bồi thường cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Vụ bê bối bắt đầu khi Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản yêu cầu các nhà sản xuất ô tô tiến hành một cuộc điều tra nội bộ. Kết quả cho thấy Toyota, Mazda, cùng với Yamaha, Honda và Suzuki, đã giả mạo các bài kiểm tra hiệu suất để có được chứng nhận của Chính phủ.
Tại cuộc họp báo vào ngày 3/6 vừa qua, đại diện Toyota cho biết cuộc điều tra vẫn đang diễn ra cho riêng các xe Toyota sản xuất và bán tại thị trường nội địa Nhật.
Đến nay, hãng đã phát hiện 7 mẫu xe, gồm một số đã dừng sản xuất từ 2014, đã được thử nghiệm với những phương pháp khác so với tiêu chuẩn của Chính phủ Nhật Bản, và đã được Toyota báo cáo lên MLIT ngày 31/5.
Cụ thể, 4 mẫu xe đã dừng sản xuất là Crown, Isis, Sienta, và RX gặp sai sót trong phương pháp thử nghiệm va chạm cũng như các phương pháp thử nghiệm khác.
Trong khi đó, 3 mẫu xe đang được sản xuất là Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross gặp vấn đề dữ liệu không đầy đủ trong những bài thử nghiệm bảo vệ người đi bộ.