Hệ thống đèn chiếu sáng là một trong những bộ phận cần thiết và quan trọng đối với bất kỳ một chiếc xe hơi nào.
Nhưng theo thời gian, có rất nhiều vấn đề có thể ảnh hưởng đến khả năng chiếu sáng của đèn, làm giảm hiệu suất vận hành và từ đó giảm khả năng quan sát của tài xế.
Chỉ với một vài dụng cụ và chất tẩy rửa thông thường, bạn có thể làm sạch đèn pha ô tô tại nhà và giữ cho chúng luôn sáng bóng.
Phương pháp đầu tiên và đơn giản nhất đó là sử dụng các loại dung dịch xịt kính kèm khăn cotton mềm hoặc vải vi sợi để vệ sinh phần vỏ đèn. Nên vệ sinh bề mặt đèn lúc nguội, tức là khi xe đã tắt máy và tránh khỏi ánh nắng một khoảng thời gian.
Nếu dung dịch xịt kính không tác dụng, hãy tiếp tục thử trộn hỗn hợp kem đánh răng và bột baking soda rồi bôi lên bề mặt đèn, đợi vài phút trước khi lau sạch. Để hiệu quả tốt nhất, có thể lặp lại nhiều lần và thường xuyên. Trong đó, kem đánh răng có tác dụng làm sạch, còn bột baking soda chủ yếu giúp tăng khả năng bám dính lên bề mặt để việc vệ sinh trở nên hiệu quả hơn.
Nếu cần tẩy rửa nặng hơn một chút, bạn có thể thử hỗn hợp chanh và bột baking soda. Đầu tiên, hãy vắt nước chanh ra bát hoặc cốc, sau đó cho một lượng vừa phải bột baking soda vào và quấy đều để hỗn hợp sánh lại, nhưng không bị cứng. Tiếp theo, lấy nửa quả chanh chà đều lên bề mặt vỏ đèn, sau đó mới bôi hỗn hợp chanh – baking soda lên rồi đợi vài phút trước khi vệ sinh sạch lại.
Nếu những hỗn hợp kể trên đều chưa đem lại hiệu quả mong muốn, hãy thử với hỗn hợp giấm và bột baking soda. So với chanh, giấm có nồng độ acid cao hơn và sẽ tẩy sạch các vết bẩn, xác côn trùng bám trên bề mặt đèn hiệu quả hơn. Tuy nhiên cần chú ý khi trộn hai thứ này sẽ gây phản ứng tạo bọt. Nên tốt nhất, hãy cho từng thìa giấm nhỏ vào bát bột baking soda một cách từ từ và cẩn thận.
Khi tất cả những cách vệ sinh trên đều “bó tay” trước các vết ố bẩn, đó là lúc bạn nên tìm đến các loại hóa chất chuyên dụng. Mặc dù đắt hơn nhưng các loại hóa chất này chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả làm sạch cho bề mặt đèn. Tuy nhiên nên tránh để da tay tiếp xúc trực tiếp với hóa chất. Nên bôi hóa chất qua giẻ và đeo găng tay.
Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể sử dụng các loại hóa chất chống gỉ để tẩy vết bẩn trên bề mặt đèn xe, tuy nhiên nên tránh các loại hóa chất có tính ăn mòn cao.
Ngoài ra, bạn cũng nên bảo dưỡng đèn tại các gara. Hệ thống đèn bị xước, mờ, ố… sẽ có thể hồi sinh trở lại sau khi được các kỹ thuật viên có đủ trình độ đánh bóng với hỗn hợp hóa chất và máy mài cát ướt.
Cuối cùng nếu các giải pháp trên vẫn không giải quyết được vấn đề, hãy cân nhắc thay vỏ đèn sớm nhất có thể. Việc này nên được thực hiện tại các xưởng dịch vụ chính hãng để đảm bảo chất lượng tốt nhất, dù chi phí có thể cao hơn các gara bên ngoài.
Vì sao nên bảo dưỡng đèn xe ô tô?
Đảm bảo hiệu quả chiếu sáng tốt nhất
Bất kể hệ thống đèn xe của bạn thuộc thương hiệu gì, làm từ chất liệu cao cấp hay phổ thông thì đều có tuổi thọ nhất định. Bên cạnh đó, việc thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chiếu sáng.
Sau một thời gian tiếp xúc, tia UV từ ánh sáng mặt trời và nhiệt độ thay đổi sẽ oxy hóa dẫn đến mặt kính của đèn bị ố vàng hoặc mờ đi. Chưa kể việc đọng sương bên trong đèn có thể gây lỗi hệ thống điện, ảnh hưởng đến chất lượng phát sáng của đèn.
Do đó, việc kiểm tra, vệ sinh, bảo dưỡng sẽ giúp đèn luôn duy trì được trạng thái hoạt động ổn định. Từ đó góp phần tăng tuổi thọ cho đèn cũng như đảm bảo an toàn cho người sử dụng xe.
Tiết kiệm nhiên liệu hoạt động
Các công nghệ đèn chiếu sáng tiên tiến hiện đại ngày nay cho phép người dùng lựa chọn các sản phẩm hỗ trợ tiết kiệm nhiên liệu như những dòng đèn bi laser ô tô, đèn bi led ô tô, bóng đèn led ô tô…Tuy nhiên, đèn xe chỉ phát huy công năng hiệu quả khi hoạt động trong điều kiện bình thường.
Nếu trong quá trình sử dụng, đèn xe gặp lỗi hệ thống hoặc hư hỏng, các công năng này sẽ bị suy giảm đáng kể. Định kỳ bảo dưỡng sẽ giúp phát hiện và khắc phục kịp thời những lỗi này của hệ thống đèn. Từ đó góp phần hạn chế việc lãng phí nguồn nhiên liệu khi sử dụng đèn xe.
Đảm bảo tính thẩm mỹ cho xe ô tô
Việc chịu tác động của môi trường bên ngoài sau một thời gian sẽ xuất hiện hiện tượng đèn xe bị ố vàng, mờ đục, thậm chí là có bụi bẩn và hơi sương đọng bên trong mặt kính. Tuy chỉ là một bộ phận nhỏ nhưng vị trí ở ngay đầu xe khiến hệ thống đèn có tác động rất lớn đến vẻ đẹp thẩm mỹ của chiếc xe.