25 C
Hanoi
Thứ năm, Tháng mười hai 5, 2024

Công nghệ hỗ trợ lái xe có thay thế được tài xế?

Các mẫu ô tô mới hiện nay đều được trang bị nhiều tính năng, công nghệ hỗ trợ lái xe nâng cao để tăng an toàn khi lưu thông và cạnh tranh tốt hơn. Tuy nhiên, tài xế không thể vì vậy mà chủ quan, có thể dẫn tới hậu quả đáng tiếc.

Ngày càng nhiều tính năng

Hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao (Advanced Driver Assistance System – ADAS) được xem là trợ thủ đắc lực cho người lái, giúp người điều khiển phương tiện hạn chế những va chạm trên đường.

Hiện nay, ngoài những công nghệ như phanh ABS, cân bằng điện tử đã quen thuộc, nhiều tính năng tiên tiến hơn đang dần được xem là tiêu chuẩn trên ô tô đời mới như: Cảnh báo điểm mù, cảnh báo phương tiện cắt ngang, kiểm soát đổ đèo, cảnh báo lệch làn đường, hệ thống hỗ trợ đỗ xe…

Thậm chí, không chỉ ô tô đắt tiền, nhiều mẫu xe giá rẻ cũng đã dần được các hãng cập nhật những công nghệ ADAS. Nhiều chuyên gia cho biết, việc trang bị ADAS trên các mẫu xe, kể cả ô tô giá rẻ ngoài mục đích gia tăng sự an toàn cho những người ngồi trên xe còn giúp các mẫu xe cạnh tranh tốt hơn.

Không phải phép màu

Tuy nhiên, theo PGS. TS Lý Hùng Anh, trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), chuyên gia người Việt trong Hội đồng Kỹ thuật ASEAN NCAP (Chương trình đánh giá xe mới của Đông Nam Á), ô tô nhiều công nghệ chưa chắc đã thực sự an toàn.

“Việc xuất hiện tình trạng tài xế khi sử dụng các mẫu xe được trang bị ADAS lâu ngày có khả năng chủ quan, phụ thuộc vào công nghệ. Điều này có thể dẫn tới những tai nạn không đáng có”, vị chuyên gia nói.

Theo ông, một số tổ chức về an toàn xe hơi uy tín trên thế giới đã khuyến cáo, việc được trang bị hàng loạt tiện nghi và tính năng trợ lái có thể khiến tài xế dễ mất tập trung hơn, từ đó làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.

Quỹ AAA vì An toàn Giao thông (AAA Foundation) thực hiện thử nghiệm 30 tài xế, lái những chiếc ô tô trang bị các tính năng ADAS trong thời gian từ 6 – 8 tuần trên cao tốc. Hành vi và thái độ của nhóm tài xế này với gói ADAS được đánh giá trước, trong và sau quá trình lái.

Theo kết quả được công bố, các tài xế dùng ADAS được ghi nhận có mức độ stress thấp hơn và cảm thấy thích thú hơn khi lái xe. Tuy nhiên, sau 6 – 8 tuần thử nghiệm, tần suất hệ thống cảnh báo người lái mất tập trung cũng dày đặc hơn.

Ban đầu khi mới dùng ADAS, tài xế tập trung hơn so với trên ô tô không có ADAS. Song sau vài tuần trải nghiệm, tài xế bắt đầu cảm thấy thoải mái, phần nào đó có tâm lý ỉ lại và làm nhiều việc riêng hơn khi ngồi sau vô-lăng.

Không thể thay thế tài xế

PGS. TS Lý Hùng Anh cho rằng, các công nghệ hỗ trợ lái không phải là phép màu để giúp tài xế tránh tai nạn. Công nghệ sinh ra để hỗ trợ người lái chứ không phải để thay thế.

Bởi vậy trong mọi trường hợp, dù xe có ADAS nhưng người lái vẫn đóng vai trò quyết định xử lý các tình huống.

Ở ASEAN NCAP, với các bài kiểm tra va chạm cũng có ngưỡng giới hạn tốc độ tối đa cho xe thử nghiệm. Ví dụ với công nghệ phanh khẩn cấp tự động (AEB), tốc độ thử nghiệm để đánh giá chức năng này có hoạt động tốt hay không tối đa là 60km/h, với cả xe di chuyển cùng chiều lẫn đứng yên. Còn với tốc độ cao hơn không thể đánh giá được.

Bên cạnh đó, hệ thống phanh khẩn cấp dựa trên cảm biến và camera. Với tốc độ quá cao, trong một thời gian ngắn xe di chuyển rất nhanh và xa, hệ thống điện tử phát hiện rồi xử lý cũng mất thời gian.

Theo ông Đào Công Quyết, Trưởng tiểu ban Truyền thông, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), khách hàng khi mua xe, sử dụng các công nghệ ADAS cần xem kỹ hướng dẫn sử dụng. Bởi với mỗi hãng xe, mẫu xe, điều kiện vận hành của hệ thống ADAS khác nhau nên cần tìm hiểu thật kỹ trước khi sử dụng xe.

“Quan trọng nhất, tài xế vẫn phải là người luôn kiểm soát chiếc xe, không được phụ thuộc vào công nghệ mà lơ là”, ông Quyết nói.

Để sử dụng các công nghệ ADAS hiệu quả, PGS. TS Lý Hùng Anh chia sẻ, khi đi trong phố, đường đông, một số công nghệ hữu ích tài xế nên sử dụng là phanh khẩn cấp tự động, hỗ trợ lên/xuống dốc với lái mới. Còn những công nghệ như cảnh báo chệch làn/hỗ trợ giữ làn hay kiểm soát hành trình nhiều khi cũng không có tác dụng.

Nếu di chuyển ở quốc lộ hay cao tốc, cảnh báo chệch làn/hỗ trợ giữ làn lại rất hữu ích bởi nhiều khi tài xế có thể lơ là. Hay phanh khẩn cấp tự động cũng nên được kích hoạt nhưng chỉ sử dụng hiệu quả ở dải tốc độ hoạt động nhà sản xuất công bố.

xe.baogiaothong

phụ tùng lexus

Có thể bạn quan tâm

Stay Connected

0FansLike
3,912FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

Có thể bạn quan tâm