29 C
Hanoi
Thứ năm, Tháng mười một 14, 2024

Dẫn 9 chiếc VinFast VF 9 xuyên Việt 5.500km, chủ xe chia sẻ: ‘Sạc, đỗ miễn phí nhiều nơi, chạy liền 600km không bã người’

Ngày 1/7 vừa qua, đoàn 9 chiếc VinFast VF 9 bắt đầu lên đường từ Hà Nội để chạy xuyên Việt, vòng qua Tây Nguyên rồi tới Cà Mau. Hành trình kéo dài 18 ngày với quảng đường cả đi và về tổng cộng khoảng 5.500 km.

Đoàn 9 chiếc VinFast VF 9 đi xuyên Việt. Video: Anh em VF 9 – VF 9 Club

Đây là chuyến xuyên Việt tự tổ chức với số lượng xe VF 9 nhiều nhất tại Việt Nam. Trước đó, một nhóm chủ xe điện VinFast cũng tự tổ chức xuyên Việt nhưng số lượng chỉ dừng ở 4 chiếc, trong đó có VF 5 Plus, VF e34, VF 8 và VF 9. Việc chạy một đoàn lên tới 9 chiếc VF 9 phức tạp hơn rất nhiều, không chỉ ở số lượng xe nhiều hơn mà còn nằm ở kích thước cồng kềnh của những chiếc SUV lớn này. Thậm chí, có thời điểm số lượng xe VF 9 thực tế trong đoàn lên tới 11 chiếc.

9 chủ xe VF 9 tham gia đoàn xuyên Việt lần này gồm Nguyễn Đức Tuấn, Ngô Bá Nhật Huy, Vũ Huy Bình, Ngô Văn Huy, Đỗ Văn Nghĩa, Đoàn Ngọc Bích, Mai Tuấn Anh, Lê Quang Đức và Phan Trung Kiên. Trong nhóm có cả chủ xe là phụ nữ.

Trong số 9 chủ xe trên, Nguyễn Đức Tuấn (còn được biết tên với cái tên Tora Nguyen) là chủ tịch hội “Anh em VF 9 – VF 9 Club” và là một trong những người dẫn đoàn xe xuyên Việt lần này. Trước khi về Việt Nam và sở hữu chiếc VF 9, anh Tuấn đã có gần 20 năm sinh sống tại châu Âu. Đó cũng là một phần lý do khiến anh Tuấn thích xuyên Việt. Đây là lần thứ 2 mà anh đi xuyên Việt bằng chiếc VF 9.

“Mình đã từng một lần xuyên Việt bằng VF 9, đi cùng hội 3 chiếc xe điện VinFast khác. Tuy nhiên, do khi đó chưa có nhiều kinh nghiệm, mình vẫn chưa được trải nghiệm hết hạ tầng trạm sạc. Đến nay, khi đã có kinh nghiệm rồi, mình có kêu gọi “Hội Anh em VF 9 miền Bắc” cùng đi xuyên Việt và rất may mắn đã được đông đảo mọi người ủng hộ”, anh Tuấn chia sẻ.

Sạc tiện nhưng phải tính vì đoàn lớn, nhiều nơi sạc miễn phí

Điều khó nhất trong chuyến đi có lẽ là lên lịch trình. Chạy một đoàn 4 xe thì đơn giản, nhưng có tới 9 chiếc, lại là xe lớn như VF 9, thì lại là câu chuyện khác. Cái khó của ban điều hành là tìm được các địa điểm sao cho có thể đỗ được cả 9 chiếc SUV lớn, đặc biệt là điểm sạc phải có nhiều trụ sạc, không gian rộng rãi.

Anh Tuấn cho biết rằng để chuyển đi có thể thành công tốt đẹp thì mọi người đã bàn bạc rất kỹ càng kế hoạch cũng như lộ trình ăn ngủ nghỉ ở đâu, sạc xe ở đâu mà phải đáp ứng được cho cả đoàn 9 chiếc xe điện lớn. Phải có một lộ trình khoa học thì mới tránh được “thời gian chết” trong chuyến đi và đảm bảo đến điểm nghỉ chân đúng theo lịch dự kiến.

“Ví dụ như đi Huế chẳng hạn, bọn mình chọn dừng nghỉ ở một khách sạn cạnh sân vận động Tự Do – Huế. Ở đó vừa có bãi đỗ xe rộng rãi mà còn tiện sạc xe. Đến Quảng Bình, bên mình chọn một khách sạn mà nằm ngay đối diện trạm sạc Vincom. Qua Măng Đen, bọn mình cũng đặt một homestay to đẹp, chỗ đỗ lớn, mà cách trạm sạc chỉ có 500 mét. Để làm được như vậy thì sẽ tốn nhiều công sức tìm hiểu, xây dựng kế hoạch”, anh Tuấn chia sẻ.

Theo anh Tuấn, việc sạc cả đoàn xe điện khi đi xuyên Việt là rất tiện nếu đã lên lộ trình trước, vì hiện tại tỉnh thành nào cũng đều có điểm sạc, nhiều nơi có bãi sạc lớn để sạc được nhiều xe.

“Với tầm vận hành khoảng 426 km cho loại pin SDI và khoảng 626 km cho pin CATL mới thì việc xuyên Việt với nhiều chiếc VF 9 cũng chẳng có gì đáng ngại cả. Quãng di chuyển này hoàn toàn dư dả cho mọi người tìm được một nơi sạc có không gian lớn trên đường”, anh Tuấn cho biết thêm.

Cũng ở chuyến đi này, đoàn VF 9 đã trải nghiệm sạc miễn phí theo chính sách mới của VinFast.

Anh Tuấn chia sẻ: “Bọn mình được đỗ xe miễn phí ở rất nhiều nơi. Ví dụ đến Đồng Hới, vào Vincom được đỗ miễn phí đến 5 tiếng, cắm sạc cũng miễn phí. Qua Gia Lai, khi bọn mình qua sạc miễn phí ở đại lý và còn được rửa xe miễn phí nữa. Đoàn cũng được đỗ xe miễn phí tại hầm của Vinhomes Landmark 81 ”.

Chạy đường dài không “bã người” như đi xe xăng

Ngoài chiếc VF 9 này, gia đình anh Tuấn hiện có cả những chiếc Lux A2.0 và Lux SA2.0, trước đó còn sở hữu qua cả 2 chiếc Lexus. So sánh giữa những chiếc xe xăng với VF 9 khi đi đường dài, anh Tuấn khẳng định xe điện đi thoải mái hơn hẳn.

Anh Tuấn cho biết: “Lái VF 9 mình có thể chạy được một lèo 500-600 km. Lái rất nhàn và không hề mệt. Đi quốc lộ, cao tốc đã có ADAS. Còn đi đường đèo thì xe rất đầm, ôm cua gọn dù có kích thước lớn, nhích nhẹ ga là lên dốc được.

Mình nhớ có lúc cả đoàn xe VF 9 phải dừng lại hết giữa đèo Violak để nhường đường cho xe tải đổ dốc. Sau khi xe tải qua, chỉ cần nhích nhẹ ga là xe vọt lên luôn. Mình nghĩ rằng với độ dốc như thế, với xe xăng mà xác nặng như thế này thì lúc leo lên cũng khá vất vả.

Trong đoàn có anh em chọn chạy đèo bằng chế độ Sport và nói rằng chạy rất thích. Lên dốc thì xe thừa mạnh, còn xuống dốc thì xe tự hãm tốc độ, khi đó sẽ tránh tình trạng phải dùng nhiều phanh liên tục”.

Theo anh Tuấn, ghế ngồi êm và tính năng massage cũng giúp lái xe lâu đỡ mỏi.

“Nếu bảo lái xe xăng 500-600 km liên tục thì thực sự phải mệt bã người rồi”, anh Tuấn nói thêm.

Trải nghiệm cứu hộ miễn phí

Ở chặng Đà Lạt đi Vũng Tàu, một chiếc VF 9 gặp sự cố không di chuyển được. Khi đó, đoàn mới được trải nghiệm dịch vụ cứu hộ xe miễn phí của VinFast.

“Dùng VF 9 thấy rất thích ở một điểm nữa là có hotline riêng. Khi đó, bọn mình cũng rất sốt sắng để giục cứu hộ đến sớm để cứu chiếc xe. Phải nói là để đưa được chiếc VF 9 cồng kềnh thế này lên xe cứu hộ là cực kỳ vất vả nhưng các anh em vẫn rất nhiệt tình hỗ trợ, dù đây là dịch vụ miễn phí”, anh Tuấn cho biết.

Một số lưu ý khi đi đoàn xe lớn xuyên Việt

Qua chuyến xuyên Việt bằng một đoàn xe VinFast VF 9 lớn, anh Tuấn đưa ra một số lưu ý cho những ai đang nhen nhóm ý định tương tự:

– Cần chuẩn bị mỗi xe một bộ đàm để đảm bảo các tài xế luôn bám được nhau và vượt xe một cách an toàn nhất. Việc dùng bộ đàm nói chuyện cũng giúp tránh mệt mỏi, tránh việc tài xế rơi vào “giấc ngủ trắng” khi lái xe đường dài.

– Nên kết hợp dừng nghỉ sau khoảng 100-200 km. Có thể tranh thủ sạc xe và chợp mắt 15-30 phút. Điều này cũng giúp tài xế được hít thở thêm không khí bên ngoài để tỉnh táo hơn.

– Khi đi đường dài nên chuyển sang gió ngoài để lấy oxy, hoặc để chế độ tự động. Việc để gió trong liên tục có thể khiến thiếu oxy, tài xế dễ mệt mỏi, buồn ngủ.

– Cần mang theo những thiết bị tránh sự cố như bơm cầm tay, lốp dự phòng, thiết bị cảnh báo nguy hiểm… Nếu có điều kiện, xe có thể tráng lốp chống đinh để tránh việc thủng lốp giữa đường làm gián đoạn lộ trình.

– Không cần mang theo bàn ghế camping để tránh tốn diện tích khoang hành lý. Dọc đường có rất nhiều điểm dừng chân ngắm cảnh đẹp đã có sẵn bàn ghế để ngồi.

– Tất nhiên, việc lên một lộ trình với những khách sạn, điểm nghỉ chân và khu vực sạc có không gian rộng rãi là điều cần phải làm.

phụ tùng lexus

Có thể bạn quan tâm

Stay Connected

0FansLike
3,912FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

Có thể bạn quan tâm